Sáng 24-4, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Ban vận động thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Ban tổ chức công bố quyết định của Bộ Nội vụ, về việc thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và thông qua Điều lệ Hiệp hội, bầu BCH Hiệp hội.
Tới dự Đại hội, có ông Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Ban, bộ , ngành Trung ương cùng lãnh đạo một số tỉnh khu vực. Tham dự Đại hội còn có 97 đại biểu trong số 132 hội viên chính thức của Hiệp hội.
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 124/QĐ-BNV, ngày 5/2/2016 của Bộ Nội vụ; tên gọi là Hiệp hội Mắc ca Việt Nam; tên giao dịch quốc tế là Vietnam Macadamia Association, viết tắt là Macca Vietnam (VMA).
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ cung ứng xuất khẩu, nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo vì sự phát triển của ngành mắc ca Việt Nam.
Hơn một năm qua, cùng với việc xúc tiến thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia và Công ty CP Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã triển khai nhiều hoạt động trong chương trình phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Ông Dương Công Minh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã tổ chức tư vấn chuyên gia trong nước và quốc tế lập chiến lược phát triển, tài trợ nghiên cứu về mắc ca; xây dựng quy định sản phâm cho vay đầu tư phát triển mắc ca; tổ chức công tác truyền thông về giá trị, tiềm năng của loại cây này…
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố quyết định quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020.
Đến năm 2020, tổng diện tích trồng cây mắc ca ở hai khu vực này gần 10.000 ha. Trong đó, 2.350 ha trồng tập trung, gần 7.600 ha trồng xen canh với cây cà phê, chè. Dự kiến, đến năm 2030, diện tích trồng Mắc ca có thể là 34.500 ha.
Đại hội lần thứ nhất đã đề ra nhiệm vụ cụ thể trong những năm tới là góp phần cùng đất nước xây dựng ngành công nghiệp mắc ca hiện đại; khai thác chuỗi giá trị lớn, khép kín; thu hút nguồn vốn, nhân lực, tạo ra những sản phẩm tinh chế, phong phú từ mắc ca có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao.
Hiệp hội khuyến khích mở rộng diện tích trồng hợp lý, mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững; thu hút sinh thái; góp phần vào chương trình tái cơ cấu cây trồng ở 2 vùng Tây nguyên và Tây Bắc; phát huy giá trị kinh tế - xã hội – môi trường từ cây mắc ca; ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên nước và biến đổi khí hậu; gắn sự phát triển của các doanh nghiệp trồng, kinh doanh mắc ca với xã hội và nông dân, giúp nông dân vượt khó, làm giàu.
Đại hội lần thứ nhất, thống nhất bầu Ban Chấp hành Hiệp hội Mắc ca Việt Nam gồm 13 thành viên ở nhiều vùng đất nước. Nhiều người là Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB VN - được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký là ông Huỳnh Ngọc Huy. Trưởng ban Kiểm tra là ông Phạm Hải Âu…
Thay mặt Đoàn chủ tịch ông Dương Công Minh điều hành Đại hội
Ban Chấp hành Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.
Các Ủy viên Ban Thường vụ, Chấp hành Hiệp hội Doanh nhân CCBVN tham dự Đại hội
Luật sư Đào Ngọc Lý thông qua Điều lệ Hiệp hội
Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ