TPP LÀ GÌ ?
TPP là tên viết tắt của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương ( tiếng Anh là Trans-Pacific Partnership Agreement). Đây là Hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.
Các quốc gia thành viên của TPP đang chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. (Hàn Quốc, Colombia, Costa Rica, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và nhiều nước khác đang muốn vào TPP).
TPP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ GÌ ?
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm hay an toàn lao động…
Mỹ muốn sử dụng TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực có thể đối trọng lại với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc. Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và 9 quốc gia khác đang hy vọng sẽ hoàn thành ký kết TPP trong năm 2015. Đây là một sự kiện lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm nay (kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ). TPP sẽ tạo bước ngoặt trong nền thương mại Việt Nam và Quốc tế. Với nước ta TPP có ảnh hưởng lớn hơn so với việc chúng ta vào WTO – Tổ chức Thương mại thế giới. TPP sẽ đặt ra được các luật lệ quốc tế mà vượt qua phạm vi WTO như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động….
TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điểu chỉnh chính sách và hướng đi của luật pháp trong từng quốc gia thành viên. Các điều luật của các quốc gia thành viên sẽ phải tuân theo định hướng của TPP.
TPP sẽ chi phối chế độ pháp lý của các quốc gia. Ví dụ như điều luật khuyến khích các thành viên của TPP mở một cơ quan chính phủ, có cơ chế và cách thức hoạt động giống tại Mỹ, thực hiện phân tích ưu-nhược điểm trước khi ban hành các điều luật mới trong nước.
Thỏa thuận TPP gồm 29 chương, trong đó có 5 chương trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men… TPP sẽ yêu cầu loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước để tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các công ty tư nhân.
Với hiệp định TPP, các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế sẽ có cơ hội đưa chính phủ của các quốc gia thành viên ra tòa án đặc biệt của TPP khi các quốc gia này đặt các luật lệ, chính sách đi ngược lại với chỉ tiêu của TPP.
Mọi người dân Việt Nam, nhất là các trí thức, luật sư, doanh nhân, doanh nghiệp... cần phải biết rõ về TPP. Hãy đón xem các bài phân tích sâu hơn về TPP tại Ezlaw Blog.
Kiến thức về TPP, Tin tức hot, Tin tức pháp luật …
KHI NÀO TPP THÀNH HIỆN THỰC Ở VIỆT NAM ?
Chiều ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã họp báo nêu rõ: Khả năng Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Như vậy đến năm 2028, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô. Xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10 ( 2028). Đồng thời, Việt Nam sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch rất hạn chế, ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16 (năm 2034).
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), Mặc dù trong các hiệp định tự do hóa thương mại từ trước đến nay Việt Nam không cam kết về xóa bỏ thuế nhập khẩu ô tô cũ, không khuyến khích nhập khẩu ô tô cũ nhưng theo cam kết TPP bắt buộc phải có nên Việt Nam chỉ đưa ra con số khiêm tốn để kiểm soát ô tô cũ nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu các mặt hàng sắt thép, xăng dầu vào năm thứ 11 (năm 2029). Nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc, thiết bị của các nước sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ năm thứ 4 (năm 2022). Dệt may, giày dép, phân bón xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với mặt hàng rượu bia xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 3 đối với rượu sake, các mặt hàng còn lại xóa bỏ thuế vào năm thứ 11 (năm 2029), một số loại vào năm thứ 12 (năm 2030). Đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản như thịt gà được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau vào năm thứ 11/12 (năm 2029- 2030); thịt lợn xóa bỏ năm thứ 10 (năm 2028) với thịt tươi và năm thứ 8 (2026) với thịt đông lạnh. Gạo xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực; ngô xóa bỏ sau năm thứ 5 (năm 2023); sữa và các sản phẩm sữa xóa bỏ ngay khi có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 3 (năm 2021). Các mặt hàng chế biến từ thịt, xóa bỏ năm thứ 8 đến năm thứ 11, chế biến thủy sản xóa bỏ vào năm thứ 5 (năm 2023). Thuốc lá điếu xóa bỏ bào năm thứ 16 (năm 2034)…
Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt…để đảm bảo cơ cấu thu hợp lý, bền vững.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi rõ ràng nhất từ TPP.
Sau khi mở cửa thị trường khoảng 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, tỉ lệ thấp nghiệp thấp và mức độ bất bình đẳng về thu nhập cũng thấp.
Với hơn 90 triệu người, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới gần 10 năm và trong 10 năm nữa sẽ nằm trong nhóm 20-25 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với việc gia nhập TPP, kinh tế Việt Nam hiện đang trên đà phát triển nhanh và mạnh.
Lực lượng lao động của Việt Nam rất đông, tuổi đời trẻ, chăm chỉ và siêng năng.
Đó là những lợi thế.
ĐÀO VĂN SỬ sưu tầm.