.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ phát động.
Ngày 26-9-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định 1846/QĐ-TTg, lấy ngày 10-11 hằng năm là ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Đây là quyết định có ý nghĩa lâu dài, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước, nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, góp phần tạo sức lan tỏa sâu, rộng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với quyết tâm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu trong buổi lễ, nêu rõ: Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam là một sự nghiệp lâu dài, cần có sự nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành quyết định lấy ngày 10-11 hằng năm là ngày "Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" là một trong những vấn đề có ý nghĩa hết sức thiết thực trong xây dựng, phát triển đất nước.
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng nêu rõ: Văn hóa doanh nghiệp, trong đó yếu tố quan trọng nhất là đạo đức kinh doanh, đến nay vẫn chưa được chú trọng, thậm chí là vấn đề “nhức nhối” trong xã hội Việt Nam hiện nay. Hằng năm đã xảy ra hàng vạn vụ việc vi phạm luật pháp và đạo đức kinh doanh nhằm đạt lợi nhuận càng nhiều càng tốt và bằng mọi cách, kể cả bằng các thủ đoạn không chính đáng, thậm chí bất hợp pháp như sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng quốc cấm, hàng kém chất lượng, sản phẩm độc hại, ngay cả trong sản xuất, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm không an toàn mà người ta gọi là “thực phẩm bẩn”; không thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động như về tiền lương, bảo hiểm, an toàn lao động, chế độ hưu trí; thiếu tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, khách hàng và đối tác; buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, hối lộ, cạnh tranh không lành mạnh; gây ô nhiễm môi trường; không thực hiện trách nhiệm xã hội.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng đại đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có vai trò hết sức to lớn. Một đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Nhưng để có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh cao, bên cạnh các yếu tố quan trọng như nguồn lực, chiến lược kinh doanh, cần phải coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp một cách bài bản và hiệu quả.
Thủ tướng phát động Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” với 5 nội dung xoay quanh các vấn đề: Nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về văn hóa doanh nghiệp; xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm lành mạnh môi trường kinh doanh và nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực. Cuộc vận động còn nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác chính trị – tư tưởng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và thu hút sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng tại lễ phát động, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm khuyến khích việc thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.