ĐOÀN KẾT, NGHĨA TÌNH, HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN

KHI BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG

Ngày: 21/05/2014

Khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không chỉ gây bức xúc, phẫn nộ dư luận nhân dân trong nước mà cả cộng đồng quốc tế đều lên án. Trong đó, có các doanh nhân Cựu chiến binh Việt nam và Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam?
 

Trước hết, hãy xem Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 như thế nào?
Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc đã hoàn  tất việc đóng giàn khoan nước sâu 981, dài 114m  trong tháng 5/2011, với chi phí khoảng 925 triệu USD. Tháng 5/2012 giàn khoan này đã khoan được giếng dầu đầu tiên tại vùng biển Trung Quốc. Ngày 2/5 năm nay, giàn khoan này đã trái phép vào hạ đặt tại vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 119 hải lý. Độ sâu trung bình của vùng biển này vào khoảng 1.000m và độ sâu của khu vực giàn HD-981 đặt khoảng 1.100m. Đi theo giàn khoan này, lúc đầu  là  hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu Đặc quyền kinh tế của nước ta. Chiều 19-5, Cục Kiểm ngư cho biết, Trung Quốc đã huy động một chiếc trực thăng ra đậu tại giàn khoan. Số lượng tàu Trung Quốc huy động quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 là 136 tàu, trong đó có một tàu vận tải, 59 tàu cá, 4 tàu quân sự. Hiện bốn tàu quân sự đã di chuyển ra khu vực đào Tri Tôn để neo. Những ngày qua, Trung Quốc dùng nhiều tàu dân sự và quân sự cản trở các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, tấn công bằng vòi rồng và hung hăng đâm thẳng vào tàu Việt Nam làm nhiều người bị thương.


Đặt giàn khoan, Trung Quốc thực hiện âm mưu gì ?
Điều ngang ngược là phía Trung Quốc vẫn cho rằng dàn khoan HD 981 nằm trong vùng biển của họ vì cách đảo Tri Tôn gần hơn đảo Lý Sơn của Việt Nam. Ngay khi chiếm được Hoàng Sa, họ muốn giải thích vận dụng sai công ước, bởi vì công ước quy định về những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể để tính sự hiệu lực của các đảo, quần đảo đối với các vùng biển liên quan. Nhưng  Hoàng Sa của Việt Nam là một quần đảo của quốc gia ven biển, chứ không phải là một quốc gia quần đảo. Vì vậy không thể áp dụng việc đặt hệ thống đường cơ sở của quốc gia quần đảo lên vùng đảo này. Về tiềm năng dầu khí tại nơi đây, ông Đỗ Văn Hậu – Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết, tại khu vực lô 142, 143 nơi giàn khoan của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép, chưa hề có phát hiện thương mại nào để khai thác dầu khí. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt khảo sát tại khu vực này nhưng chưa khoan...
Theo các chuyên gia, để khai thác được dầu khí tại khu vực này, rất khó khăn. Qua đây chứng tỏ âm mưu của Trung Quốc không phải là dầu khí mà là một bước tiến mới để chiếm Biển Đông. Việc đặt giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, Trung Quốc có mưu đồ sâu xa và thâm hiểm là tạo ra một “sự cố chủ quyền”, gián tiếp khẳng định chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) rồi từng bước đạt được yêu sách lớn nhất là đường biên giới chữ U – tức đường lưỡi bò. Họ muốn biến một vùng biển từ không có tranh chấp thành có tranh chấp, từ đó dần dần mở rộng sang các vùng khác để hiện thực hóa mưu đồ chiếm đoạt phần lớn Biển Đông.

 


Vì sao Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông? Vì hiện nay tuy Trung Quốc có đường bờ biển dài nhưng tất cả các yết hầu giao thông trên biển để Trung Quốc đi ra hướng Bắc, Nam và Đông đều không nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc. Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chiến lược bá chủ của Trung Quốc. Chính vì vậy họ bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp lý lẽ và luật pháp quốc tế để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
 


Nhân dân Việt Nam kiên quyết không bao giờ để mất biển, đảo.



Các doanh nhân Cựu chiến binh Việt nam và Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam cần làm gì ?
Khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam đã  gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng người dân Việt. Những ngày qua, hàng triệu trái tim người Việt ở trong và ngoài nước hướng về biển Đông. Vì vậy, làn sóng phản ứng của nhân dân dâng lên mạnh mẽ, biểu thị bằng các cuộc biểu tình ở trong và ngoài nước.  Biểu tình không sai, nhưng thể hiện lòng yêu nước như nào cho đúng luật pháp - yêu nước gắn với yêu chuộng hòa bình, gắn với ứng xử văn hóa chính là hành động của chúng ta lúc này.  Những ngày qua nhiều trường học thể hiện lòng yêu nước, kiên quyết bảo vệ biển đảo  bằng những cử chỉ đẹp, xuất phát từ trái tim như chào cờ buổi sáng, xếp đội hình thành bản đồ Tổ quốc, trong đó cờ đỏ sao vàng tung bay trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Khi hát Quốc ca, các em học sinh tay đặt lên lồng ngực hát rất xúc động. Nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp tiền ủng hộ những người giữ biển đảo Tổ quốc...
Tuy nhiên, cũng có một số người dân thể hiện lòng yêu nước bằng cách tập hợp số đông, la hét, đập phá theo kiểu “giận cá chém thớt” nhưng thực ra là ít hiểu biết và bị kích động. Đáng tiếc là có  những kẻ xấu “ đục nước béo cò”, kích động mọi người phá hoại tài sản, ăn cướp đồ ở các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là hành vi vi phạm pháp luật, phương hại đến tình cảm quốc tế và việc thu hút đầu tư của nước ta... cần lên án và xử lý nghiêm khắc.
Hơn ai hết, những doanh nhân Cựu chiến binh chúng ta – những người đã dâng hiến tuổi xuân và cả máu, xương cho độc lập và toàn vẹn lãnh thổ đất nước – chúng ta hiểu sâu sắc chính nghĩa và phi nghĩa, công lý và lẽ phải và hiểu rõ cái giá quá đắt của cuộc sống hôm nay, chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục  lớp trẻ bình tĩnh, tỉnh táo hiểu rõ âm mưu của nước bạn và có hành động đúng. Với uy tín và nhãn quan chính trị của mình, các doanh nhân Cựu chiến binh cần phân tích rõ tình hình, giúp mọi người dân tin tưởng vào  đối sách ứng xử của Đảng, Nhà nước ta trước hành động ngạo mạn của Trung Quốc. Phải tạo dư luận khích lệ  các hoạt động mang tính hướng dẫn, định hướng những cử chỉ yêu nước như đóng góp, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho quân dân ta đang làm nhiệm vụ nơi biển đảo, nhằm tăng thêm sức mạnh bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng.
Việc Thủ tướng Chính phủ vừa qua sử dụng tổng đài tin nhắn điện thoại để truyền đi thông điệp kêu gọi và yêu cầu người dân bày tỏ tình cảm bảo vệ chủ quyền đúng pháp luật, không nghe lời kích động của kẻ xấu đã mang lại hiệu quả rất lớn, không chỉ giúp mọi người dân có hành động đúng mà còn làm gần gũi thêm tình cảm giữa công dân với người đứng đầu Chính phủ ta. Cách làm này khiến các doanh nhân Cựu chiến binh chúng ta suy ngẫm để làm các việc tốt tương tự.


Mỗi người chúng ta, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp Cựu chiến binh hãy làm gì thiết thực Hướng về Biển Đông ?
                                                                                 

   ĐÀO VĂN SỬ
 

Video clip

Chủ tịch nước tiếp Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam

Hiệp hội Doanh nhân Cựu Chiến binh Việt Nam Online

Chịu trách nhiệm chính: Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm - Chủ tịch Hiệp hội

Phụ trách chung: Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch, T.Ban Truyền thông Hiệp hội

Phụ trách nội dung: Đại tá Đỗ Quang Hoàng, Chánh văn phòng Hiệp hội

Điện thoại: 02437728497

 

Email: hiephoidoanhnhanccbvietnam@gmail.com

Website: www.hiephoidoanhnhanccb.vn

Thiết kế web: Kết Nối Việt

Trụ sở Hiệp hội:

Tầng 1, Tòa nhà Hội CCB Việt Nam, số 34 Lý Nam Đế, Hà Nội.

ĐT: 024 37728497, DĐ: 0974359966 (Thu Hương)

 

 

VỀ ĐẦU TRANG