Những ngày này các đại biểu Quốc hội đang tập trung trí tuệ bàn về việc trao cho TP Hồ Chí Minh cơ chế đặc thù để TP cất cánh bay cao, bay xa hơn. Hiện tại TP đang có mật độ dân cư gấp 15 lần so với mức bình quân cả nước; Giao thông, trường học, bệnh viện đang quá tải nghiêm trọng; môi trường sống đang ô nhiễm ở mức báo động đỏ…Ấy vậy mà nhiều người cứ mơ về một “Hòn ngọc Viễn Đông” ! Có vài đại biểu Quốc hội còn nhắc đến “thương hiệu” ấy của Thành phố !

Có người còn nhìn sang Trung Quốc gợi ra mô hình cơ chế đặc thù ở Thượng Hải, Hồng Công, Ma Cao... Rồi nhìn xa tận Mỹ, xem thể chế liên bang của họ có chính sách khuyến khích các bang chủ động phát triển kinh tế - xã hội . VV và VV…
Dù còn nhiều khó khăn nhưng TPHCM luôn tự hào và hãnh diện về vị thế “đầu tàu” cả nước, vì cả nước, cùng cả nước. Đúng thôi, TPHCM đang tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần cả nước, năng suất lao động gấp 2,7 lần bình quân cả nước, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách cao gấp 3 lần tỷ lệ dân số cả nước… Biết vậy, nhiều người lại nhắc đến“Hòn ngọc Viễn Đông”.
Tôi hoan nghênh chủ trương trao cơ chế đặc thù cho TP HCM, nhưng tôi đang buồn vì những ai nhắc đến danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” !
Tôi nhớ năm trước, xem truyền hình trực tiếpđêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 trên VTV1, người dẫn chương trình nói đại ý là Đêm chung kết chủ đề “Ngọc Viễn Đông” , sự kiện văn hoá này tổ chức ở TP Hồ Chí Minh – đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”…
Vấn đề là ai mệnh danh và mệnh danh khi nào? Danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông”, thực chất là cách nói hoa mỹ của các ông Tây thực dân khi họ đặt ách cai trị trên toàn bộ phần đất Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ của nước ta và cả Campuchia, Lào. Toàn vùng đất này được nhà cầm quyền thực dân Pháp thời ấy gộp chung lại, gọi là xứ “Đông Dương thuộc Pháp” (vào năm 1885).
Nhà cầm quyền Pháp nhận thấy vùng đất Sài Gòn, Chợ Lớn có vị trí đắc địa, khí hậu ôn hòa, giao thương thuận tiện cả đường bộ, đường thủy, đường không đi khắp vùng Đông dương nên tập trung xây dựng nơi đây thành đô thị lớn. Đến đầu thế kỷ XIX, Sài Gòn là thành phố lớn nhất của Pháp ở phương Đông. Theo tiếng Hán Việt, chữ Viễn nghĩa là xa. Viễn Đông là vùng đất xa, ở phía Đông của nước Pháp. Cũng như người Nga gọi vùng Xibêri, thành phố cảng Vlađivôxtốc ở phía đông của nước họ là vùng Viễn Đông.
Thời ấy, giữa vùng Đông Dương còn hoang sơ, sình lầy, rừng rậm…có một đô thị lộng lẫy kiểu châu Âu - thật là hòn ngọc ở xứ nhiệt đới này. Thế là người Pháp quen gọi Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông hoặc Paris của phương Đông. Nhắc đến mỹ từ này là chúng ta nhớ lại thời kỳ đau thương bị mất nước, dân ta làm nô lệ.
Tương tự như vậy chúng ta gọi vùng biển Thái Bình Dương (rộng gần 3.500 000 km2) trong đó có chủ quyền lãnh hải Việt Nam là Biển Đông hoặc Đông Hải. Nhưng khi Trung Quốc cố tình muốn tranh chấp, chiếm biển Đông của chúng ta, họ lại gọi vùng biển này là Hoa Nam – biển của nước Trung Hoa ở phía nam. Và quần đảo Trường Sa của chúng ta theo tiếng Hán Việt nghĩa là những dải cát dài, thì người Trung Quốc cố tình gọi là quần đảo Nam Sa ( quần đảo phía Nam của Trung Quốc). Quần đảo Hoàng Sa (tiếng Hán Việt nghĩa là bãi cát vàng) thì Trung quốc gọi là Tây Sa… Cách gọi này dựa vào đặc tính địa lý nhưng sặc mùi chính trị.
Ngày 2/9/1945, sau khi chúng ta giành chính quyền, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì chính quyền Pháp và thế giới chấp nhận văn bản pháp lý ấy, lãnh thổ nước ta không còn thuộc Pháp, Việt Nam là quốc gia độc lập. Bởi vậy người Pháp đâu còn được gọi Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông nữa. Vậy mà những năm gần đây và tại diễn đàn Quốc hội hôm nay có người, có những bài báo, những chương trình truyền hình vẫn nói xây dựng TP Hồ Chí Minh xứng đáng là Hòn ngọc Viễn Đông.
Kỳ cục quá! Xin đừng nói nữa !
ĐÀO VĂN SỬ