Sau mấy tháng huấn luyện gấp rút để bổ sung quân cho chiến trường miền Nam thì chiến sĩ trẻ Nguyễn Chí Tình bị sốt cao, người nóng hầm hập, đau nhức, mệt mỏi, nằm li bì. Ốm giữa lúc đơn vị hào hứng chuẩn bị mọi mặt cho chuyến vượt Trường Sơn, khiến Nguyễn Chí Tình càng thêm mệt mỏi, nóng lòng, lo lắng. “ Nếu bác sĩ quân y không cho mình hành quân thì sao? Ở lại chờ lính đợt sau à ?” Càng nghĩ, lòng anh như đau quặn thêm. Cái nắng hè trên đất Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa năm 1973 thật oi ả khiến lòng anh càng như lửa đốt. Nằm trong nhà, Tình nghe rõ những tiếng lao xao, vui đùa của đồng đội nhận quân trang để hai ngày nữa lên đường. Tình muốn bật dậy, nhưng không nổi, nước mắt anh ứa ra thấm ướt gối. Có ai hiểu nỗi lòng anh, chưa đủ 17 tuổi đã chích máu viết đơn cháy bỏng để được nhập ngũ. Thế rồi, buổi tối hôm ấy, sau khi ăn xong bát cháo nóng từ tay nữ nuôi quân Nguyễn Thị Điểm, anh thấy người nhẹ hơn, đủ sức ngồi dậy đi lại quanh nhà. Công việc đầu tiên là anh tìm bộ quân trang mà đồng đội nhận hộ hôm trước để mặc. Nhưng vừa cầm chiếc quần lên, anh vã mồ hôi hột. Với thân hình nhỏ nhắn, anh chỉ mặc vừa bộ quân phục số 3, nhưng đây lại là quần số 5, dài rộng thùng thình. Anh báo cáo tiểu đội trưởng xin đổi bộ khác, thì được biết kho quân nhu chỉ còn những bộ số 5. Tình lo lắng hết đứng lại ngồi, chưa biết làm cách nào? Nhìn vẻ mặt và cử chỉ của Tình vừa ốm dậy, Nguyễn Thị Điểm ái ngại, lại gần anh hỏi chuyện. Khi biết rõ sự việc, cô cũng băn khoăn không kém anh. Suy tính một lát, cô chợt nảy ra sáng kiến:
- Anh ạ! Đêm nay các anh hành quân rồi. Em đã nghĩ hết cách, chỉ còn cách này… anh có chịu không?
- Cách gì vậy ? – Tình sôi nổi hẳn.
- Em tính…đổi chiếc quần của em cho anh. Còn cái quần này của anh, mai mốt em ở đây sửa lại vẫn dùng được.
Ngày ấy, quần nữ bộ đội chỉ khác quần nam là không có “đỉa” để đeo thắt lưng mà cài cúc bên hông và có nhiều đường chiết ly. Nguyễn Chí Tình thoáng ngại ngần, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác, anh đồng ý. Thế là cuộc … đổi quần cho nhau thành công. Ngay trong đêm ấy, anh mặc bộ quân phục mới, cùng đồng đội lên đường ra trận.
Vào miền Nam, anh có mặt khắp các chiến trường. Từ trận Buôn Ma Thuột anh lại cùng đồng đội thần tốc, quyết thắng, tiến về giải phóng Sài Gòn.
Sau 7 năm quân ngũ, anh được trở về ôn thi và đã trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại quê hương Ninh Bình. Dù công việc bộn bề, anh vẫn luôn nhớ về người con gái đổi quần năm xưa. Suốt nhiều năm, anh luôn để ý tìm kiếm mà vẫn chưa thấy. Chẳng hiểu cuộc sống cô ấy giờ ra sao, còn hay mất ?
Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập thị xã, với cương vị Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp, anh Nguyễn Chí Tình tổ chức cuộc hội chợ thương mại, mời khá đông đại biểu, trong đó có lãnh đạo các huyện, thị xã trong tỉnh. Tại buổi liên hoan thân mật, anh gặp chị Lê Thị Hoa - Phó chủ tịch UBND huyện Kim Sơn - cùng đi còn có chị Khánh - Trưởng phòng hành chính UBND huyện. Trong lúc vui chuyện, chị Hoa giới thiệu cô Khánh từng là bộ đội, cũng nhập ngũ năm 1972. Hy vọng lóe lên, anh Tình hỏi thì được biết chị Khánh cùng ở Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 15 với anh thời ấy. Thế là anh Tình không giấu nổi ý định tìm lại người đồng đội đổi quần cho mình năm xưa. Nghe xong câu chuyện, chị Khánh vội nắm tay anh rồi bật khóc: “Em không ngờ hơn ba mươi năm rồi mà anh vẫn nặng tình với đồng đội cũ. Em biết chị Điểm anh à !”. Nói rồi, chị ôm lấy anh nức nở khiến cả hàng trăm người dự liên hoan ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì xảy ra?

Ít lâu sau, khi anh Tình đang đi công tác thì nhận điện thoại từ cơ quan rằng: “Có 5 chị ở Kim Sơn đến thăm anh”...
Anh vội vã trở về. Chị Khánh - Trưởng phòng hành chính trang trọng giới thiệu: “Đây là 5 cựu quân nhân tiểu đoàn 3 năm xưa. Đố anh tìm được ai đã…đổi quần ?” Sau 34 năm, biết bao đổi thay trên gương mặt và dáng hình của người phụ nữ bươn chải cuộc sống như chị Điểm, vậy mà anh Tình nhận ra ngay. Chị xúc động rồi khóc nấc lên... Không thể nói hết cảm xúc khi hai cựu chiến binh giữ kỷ niệm về nhau, nay gặp lại.
Kết thúc chiến tranh, chị Điểm về làm nông tại quê hương - xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Chồng chị là công an. Anh chị có 4 người con đều thành đạt. Hôm đó, chị tâm sự: Ngày ấy cứ vài tháng lại có một đoàn quân ra trận, cả ngàn lính trẻ về đơn vị rồi vào chiến trường, đông lắm nhưng chị vẫn nhớ anh bộ đội măng tơ, trắng trẻo, thư sinh bị sốt cao, được chị chăm sóc rồi lại đổi quần trước lúc ra trận. Thực lòng chị không nghĩ có ngày gặp lại nhau và không ngờ anh ấy là Chủ tịch UBND thị xã…
Giờ đây, mỗi người một hoàn cảnh, một cương vị khác nhau nhưng tình đồng đội của họ thì vẫn còn nguyên vẹn. Từ lần gặp ấy, có dịp là vợ chồng anh Nguyễn Chí Tình ghé thăm gia đình chị Điểm. Hai gia đình đến với nhau tự nhiên, thân tình. Mỗi dịp xuân về, chị Điểm thường tặng gia đình anh Tình những sản vật quê nhà, đậm đà hương vị Tết. Tình nghĩa của những cựu chiến binh này đang được các cựu chiến binh quê hương Ninh Bình ngợi khen và coi là hình mẫu nêu gương, học tập.
Bài, ảnh: ĐÀO VĂN SỬ