CCB ĐỖ HỒNG THANH - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam; Phó trưởng Ban Tư vấn chính sách và pháp luật Hiệp hội; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô (Đák Lắk) đã chiến thắng từ chiến trường đến thương trường.

Doanh nhân CCB Đỗ Hồng Thanh
Trong chuyến về nguồn thăm lại chiến trường xưa vừa qua, CCB Đỗ Hồng Thanh khiến cả Đoàn xúc động. Anh cùng anh em trong đoàn đến sân bay Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Khi đoàn xe chạy đến giữa đường băng thì dừng lại. Bước xuống xe, Đỗ Hồng Thanh xúc động khác thường. Anh bước đi như chạy, chỉ tay về phía cuối đường băng, giọng nghẹn ngào: “ Đúng rồi ba thằng bạn tôi hy sinh ở đoạn ấy! Kiên, Trì, Lỡi ơi, các bạn ở đâu ?” Mắt anh loáng ướt, hai cánh tay nổi da gà. Anh nói nhỏ với tôi: “ Chúng nó đến đây rồi. Tôi linh cảm thế !” Vợ anh - chị Nguyễn Thị Thắng- bước theo chồng, lặng lẽ không nói, chăm chú nhìn mọi cử chỉ của anh. Các CCB Mai Xuân Tâm, Ngô Văn Lực, Ngô Công Đoan, Trịnh Quang Sỹ, Đinh Gia Khánh, Phạm Minh Tân quan sát khu vực sân bay rồi cùng nhau đứng gần lại nghe Đỗ Hồng Thanh kể về trận đánh vào sân bay 41 năm trước:
- Ngày ấy tôi là chiến sĩ trinh sát kỹ thuật thuộc đội Quân báo 13. Đội chúng tôi có nhiệm vụ đột nhập vào trinh sát sân bay Đức Cơ, nắm chắc tình hình hoạt động canh gác, phòng thủ rồi vẽ sơ đồ các vị trí sân bay, sau đó vẽ sơ đồ đóng quân, canh phòng của chúng tại đồi Hàm Rồng để cấp trên xác định hướng tấn công. Đêm ấy, cuối tháng 6/1974, dưới sự chỉ huy của đồng chí trung đoàn phó Nguyễn Xuân La, 7 anh em chúng tôi bí mật xử lý mìn của địch, chui qua hàng rào sân bay, nắm được quy luật, thời gian thay ca đi tuần quanh sân bay của chúng và vẽ được sơ đồ khu vực…Khi chúng tôi chuẩn bị rút ra thì pháo sáng của chúng quét nhiều lần. Có một đồng chí sơ ý để chúng phát hiện, thể là chúng bắn cấp tập đại liên và M79 vào đội hình. Ba đồng chí Lỡi, Kiên, Trì hy sinh ngay trong hàng rào. Tôi bị mảnh đạn M79 găm vào người, máu loang ra nhưng vẫn gắng chạy vượt khỏi hàng rào. Ngay sau đó, tôi được các đồng đội đơn vị bộ binh áp sát sân bay dìu đi, thoát hiểm, đưa về điều trị tại bệnh viện 211 trên đất bạn Campuchia. Ngày ấy chúng tôi được tin quân giặc đã vùi lấp các đồng đội của tôi ở khu vực vành đai sân bay. Đến nay vẫn chưa tìm được.

CCB Đỗ Hồng Thanh (thứ hai bên trái) kể lại trận đánh năm xưa
Xúc động trở lại chiến trường xưa, khi CCB Đỗ Hồng Thanh bước lên xe, anh đã làm bài thơ “Đồng đội ơi!”. Buổi tối hôm ấy, anh em trong đoàn được nghe anh đọc bài thơ này, thật cảm động. Ít ai ngờ rằng, người chiến sĩ năm xưa đã đổ máu trên đất Tây Nguyên, sau mấy chục năm lại trở thành doanh nhân thành đạt, giàu lòng nhân ái, tạo nhiều việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Anh đã đưa gia đình từ quê hương Ý Yên, Nam Định vào định cư trên đất Tây Nguyên - Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đák Lắk.
Từ một thương binh, sĩ quan quân đội, đầu năm 1983, Đỗ Hồng Thanh chuyển ngành về công tác tại Sở Xây dựng, tỉnh Đák Lắk. Gần 20 năm sau (tháng 1/2002) anh trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên,Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô.
Ban đầu lập công ty với số vốn khiêm tốn chỉ có 600.000.000 đồng; nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật và phương tiện máy móc đều thiếu, Đỗ Hồng Thanh vẫn bình tĩnh, tự tin, chủ động tháo gỡ từng phần.
Anh tâm sự:
- Trước những khó khăn, thiếu thốn của mình, tôi vẫn nhận ra những thế mạnh nội tại để vững tin đưa công ty từng bước củng cố và phát triển. Đó là dựa vào đường lối, chính sách đổi mới kinh tế của Đảng, Nhà Nước và sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đó là đội ngũ những CCB có nghị lực, quyết tâm và kinh nghiệm hoạt động. Họ là nòng cốt để xây dựng các đoàn thể chính trị, xã hội như Chi bộ Đảng, chi hội Cựu chiến binh và Công đoàn cơ sở. Hơn nữa bản thân tôi đã có hàng chục năm kinh qua cương vị quản đốc trực tiếp tổ chức, điều hành sản xuất kinh doanh nên có những trải nghiệm trên thương trường. Ngành nghề của công ty lại phù hợp với địa bàn Tây Nguyên do đó đồng vốn luôn luôn quay vòng hợp lý. Thương hiệu của công ty từng bước tạo nên chữ Tín, khiến khách hàng tăng nhanh; sản phẩm của công ty nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường…nhờ vậy đồng vốn không ngừng tăng lên.
Tìm hiểu, chúng tôi biết, sau khigiải xong “bài toán”về vốn, CCB Đỗ Hồng Thanh tạo điều kiện cho công ty thực hiện đề án mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Từ 3 cơ sở khai thác, chế biến đá (năm 2004) sau 5 năm công ty đã phát triển thành 9 cơ sở khai thác, chế biến đá; lắp đặt 5 trạm nghiền đá công suất 30 đến 150 tấn/giờ; lắp 6 trạm biến thế điện phục vụ khai thác chế biến, 7 giàn máy khoan điện, 20 máy chuyên dùng phục vụ sản xuất và xây dựng cầu đường, 20 xe vận tải lớn. Năm 2010 công ty đã khánh thành và đưa vào sử dụng khu văn phòng làm việc, xưởng cơ khí, khu nhà ăn, nhà nghỉ công nhân, trị giá trên 15 tỷ đồng.
Khi đã xây dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường, công ty tham gia nhiều công trình trọng điểm của Tây Nguyên như: Bảo đảm trên 60.000m3 đámở rộng, nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột; khai thác chế biến trên 900.000 m3 đá phục vụ các công trình thuỷ điện trên sông Srêpôk và các công trình cầu đường của tỉnh Đák Lắk. Những năm qua, công ty thi công 11,5 km đường giao thông liên tỉnh Đák Lắk – Phú Yên; thi công gói thầu tỉnh lộ 5, trong đó có cây cầu bê tông cốt thép dài hơn 20m; thi công tuyến đường N7A và K11 khu du lịch Bắc bán Đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa, với hệ thống thoát nước và chắn sóng biển hơn 1.000 m3 bê tông cốt thép…
Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, hàng năm công ty tổ chức các chuyến tham quan, du lịch tại các khu di tích lịch sử và danh thắng....
Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội và giúp các tổ chức CCB, những năm qua công ty đã dành hơn một tỷ đồng cho hoạt động này.
Những năm gần đây, công ty đã xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa và nhà nghĩa tình đồng đội, tặng các gia đình liệt sỹ, thương binh nghèo và các hộ dân tộc thiểu số vùng xa Buôn Đôn, Krông Năng tỉnh Đák Lắk, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Trong chuyến về nguồn và giao lưu này, các doanh nhân CCB Ngô Văn Lực ( Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân CCB VN), Ngô Công Đoan (Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân CCB VN) và một số doanh nhân CCB khác đã ký kết chương trình hợp tác với Công ty của CCB Đỗ Hồng Thanh mở rộng quy mô, hiệu quả sản xuất – kinh doanh trên đất Tây Nguyên. Sự hợp tác hứa hẹn thành công lớn.
Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ
ĐỒNG ĐỘI ƠI
Sau 41 năm… Thanh về đây
Đức Cơ hoang vắng, nắng sân bay
Kiên, Trì, Lỡi ơi… thương nhớ quá
Các bạn nằm đâu, giữa chốn này ?
Nghẹn ngào nhớ khói pháo, đạn bay
Con tim nhoi nhói, mắt cay cay
Không có trái cây, không nhang khói
Các bạn trách, mình xin nhận ngay !
Tháng sau, Thanh về lại nơi đây
Dâng cơm, bia, rượu - nghĩa tình đầy
Đồng đội ơi linh thiêng về nhé
Âm dương hội ngộ - ấm vòng tay !
CCB ĐỖ HỒNG THANH
Viết nơi đồng đội hy sinh - sân bay Đức Cơ, Gia Lai