Trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, còn gọi là đường Trường Sơn những năm 1971 – 1972 giặc Mỹ tập trung hỏa lực đánh phá rất ác liệt nhằm ngăn chặn sức người sức của từ miền Bắc vào chi viện cho mặt trận phía Nam. Cũng trong thời gian này nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ hai bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” và “Tiểu đội xe không kính”…Bài hát ấy qua Đài Tiếng nói Việt Nam và các đơn vị bộ đội trên tuyến đường đã truyền lan nhanh sang cánh lái xe lính trẻ chúng tôi, khiến anh em càng tự hào phấn chấn.
Lúc đó chúng tôi là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường cấp III, mới mặc áo lính, được vinh dự trong đội hình lái xe bộ đội Trường Sơn, thuộc Đoàn 559. Đơn vị nổi tiếng với truyền thống “Gan vàng dạ ngọc”. “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” và “Địch đánh ta cứ đi !”
Ngày ấy, tôi là chiến sĩ lái xe thuộc đại đội 1 của Tiểu đoàn vận tải 67, Trung đoàn 11, đóng quân tại cánh rừng Saravan – tỉnh Savanakhét của nước bạn Lào. Mỗi khi xe đi vận chuyển hàng là cán bộ trung đội kiểm tra rất chặt chẽ việc từng người chấp hành đội mũ sắt và mặc áo giáp để chống bom bi nổ chậm trên đường vận chuyển.
Tôi nhớ mãi ngày 19/12/1971, tôi và đ/c Nguyễn Hữu Tạo được giao nhiệm vụ cùng với đơn vị lái xe chở vũ khí vào tuyến lửa. Cung đường chúng tôi vượt qua được thông báo trước là có một trọng điểm thường xuyên bị máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Đó là ngầm Sê Băng Hiêng. Cả hai chúng tôi đều là lính mới lái xe, nên kinh nghiệm chưa có, luôn được các anh đi trước giúp đỡ.
Chiếc xe mà hai chúng tôi được giao là loại xe vận tải quân sự, hiệu Giải phóng của Trung Quốc. Chuyến đi đầu tiên này xe chúng tôi chở 4 tấn đạn pháo. Đạn được bọc kín, xếp trong các hộp nhựa và thùng gỗ thông.
Khi cách ngầm trọng điểm khoảng 3km, chúng tôi dừng xe lại chờ cho máy bay Mỹ thả hết một đợt pháo sáng là khẩn trương cho xe vượt qua ngầm. Tới nơi, tôi thấy bộ đội công binh căng dây 2 bên ngầm và nhiều đồng chí lội xuống dẫn đường cho xe qua.
Tôi tháo cánh quạt gió để tránh nước làm chết máy, rồi quan sát bên phải để Nguyễn Hữu Tạo ngồi lái. Vừa tới giữa ngầm, bánh xe tụt xuống miệng hố bom, đột ngột chết máy. Chúng tôi hoảng sợ quá vì sắp đến đợt máy bay Mỹ quay lại thả pháo sáng tiếp theo. Nếu chúng nhìn thấy xe, sẽ ném bom xuống ngay. Lúc đó cán bộ trung đội huy động anh em cùng với bộ đội công binh khẩn trương dỡ bớt hàng xuống rồi xe cứu hộ trực chiến đến, tời xe lên, vượt qua ngầm, giấu xe vào đoạn đường kín.
Xe vừa kéo qua ngầm thì máy bay Mỹ lao đến thả pháo sáng rồi quần đảo trên bầu trời. Chúng tôi đã giấu xe vào rừng theo chỉ dẫn của công binh.
Đúng là nhờ tinh thần bình tĩnh, quyết tâm cao của anh em lái xe trong trung đội lại được bộ đội công binh giúp đỡ, chúng tôi đã cứu được xe và hàng an toàn, chuyển vào tuyến lửa như kế hoạch. Đây là kỉ niệm đầu tiên, tôi không thể quên được khi làm nhiệm vụ vận tải trên đường Trường Sơn, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.
Sau chiến dịch mùa khô 1972, tôi và đ/c Tạo được điều về phục vụ mặt trận Quảng Trị. Trong nhiều lần vượt qua những cung đường dưới làn bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an toàn người, xe và hàng hóa. Tuy vậy tại mặt trận này, đơn vị chúng tôi cũng mất đi những người anh, người bạn – đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ.
Năm 1975, cấp trên điều đ/c Tạo chuyển đến đơn vị khác rồi ra miền Bắc. Một thời gian sau đ/c Tạo đi lao động hợp tác quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
Sau 40 năm quân ngũ, đồng chí Tạo vui mừng và cảm động được đón về thăm đơn vị Lữ đoàn 972 . Hiện nay gia đình đ/c Tạo sinh sống tại xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cuộc sống kinh tế ổn định. Cả 4 người con của Đ/c đều đã lập gia đình riêng, trong đó 3 cháu lập nghiệp tại TP Điện Biên. Con trai đầu là cháu Nguyễn Văn Đào, hiện là thiếu tá, Chủ nhiệm ban Công binh Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên. Hai con rể là sĩ quan quân đội và công an, đều công tác tại Điện Biên.
Trong các lần đơn vị họp mặt truyền thống, chúng tôi biết cuộc sống đời thường của nhau, cũng có những người còn mang thương tật, sức khỏe yếu hoặc điều kiện kinh tế khó khăn không về dự được.
Viết lại kỷ niệm này để những đồng đội trong đơn vị cũ nhớ một thời trai trẻ dũng cảm vượt qua nguy hiểm, khó khăn và thêm ghi nhớ, tri ân những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên các cung đường máu lửa… tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội vận tải Trường Sơn.
Mong các đ/c có thông tin, liên hệ với trưởng ban liên lạc truyền thống Nguyễn Văn Ninh - nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 - để chúng ta tìm lại nhau, chia sẻ mọi vui buồn. (Đ/c Nguyễn Văn Ninh, điện thoại 0987353576).
Đại tá Mai Xuân Tâm – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DNCCBVN trao quà bà con nghèo.
Vợ chồng Đ/c Nguyễn Hữu Tạo ( bên phải) và gia đình con trai trưởng Nguyễn Văn Đào
Đại tá Mai Xuân Tâm
Nguyên Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 684,
Bí thư Đảng ủy, lữ đoàn phó lữ đoàn 972
(Cục Vận tải TCHC- BQP)