NGUYỄN TRẦN ĐOÀN kể
HỮU VĨNH ghi
Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nụ cười hiền, ít ai nghĩ anh là một chàng trai dũng cảm đã cùng kíp xe tăng thẳng tiến trong đội hình thọc sâu của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Ngã tư Bảy Hiền lúc gần trưa 30/4/1975. Đó là cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Trần Đoàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TBB – CCB TP Hải Phòng.
Sau 40 năm, nhớ lại trận chiến ác liệt giữa ta và địch khi đơn vị xe tăng của anh vượt ngang qua Đồng Dù, xông lên quốc lộ 22 rồi đánh vào căn cứ Hóc Môn, tiến về khu vực Bà Quẹo, trại lính dù Hoàng Hoa Thám, Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Bộ Tổng tham mưu ngụy...CCB Nguyễn Trần Đoàn vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Anh coi đó là thời điểm vinh dự nhất của cuộc đời mình vì có mặt vào thời khắc lịch sử, địa danh lịch sử và ghi dấu ấn lịch sử - đánh trận cuối cùng của Chiến dịch lịch sử, kết thúc cuộc trường chinh 30 năm giải phóng miền Nam.

Hôm ấy, khoảng 8 giờ ngày 27/4/1975, chính trị viên đại đội tập trung quán triệt và thông báo: “Chúng ta đã mở chiến dịch mang tên Bác - chiến dịch Hồ Chí Minh, các đồng chí hãy xông lên vừa đánh vừa giữ để tiếp quản thành phố Sài Gòn”. Toàn đơn vị hôm đó tràn ngập không khí phấn khởi, ai cũng muốn xung trận.
Đúng 5 giờ 5 phút ngày 29/4/1975, có lệnh xuất phát. Xe tăng và xe thiết giáp K63 xếp hàng dài xen kẽ nhau cắt đường, tiến thẳng qua Đồng Dù. Chúng tôi đi giữa hai hàng tiêu đã được công binh cắm sẵn sau khi đã dò mìn. Đoàn quân ta hùng dũng tiến thẳng lên quốc lộ 22 mặc cho pháo kích của địch gầm rít trên đầu, khi đến quốc lộ, chúng tôi tiến về phía cầu Bông (nay là cầu An Hạ). Tại đây ta đụng độ với 23 chiếc xe bọc thép M113 của ngụy cắm cờ giải phóng chạy vào Sài Gòn. Chúng bị đơn vị đặc công 198 chốt giữ cầu Bông đánh chặn. Nhưng do chúng có hỏa lực mạnh nên lực lượng đặc công của ta thương vong rất lớn. Vừa lúc đó, chúng tôi tập kích phía sau, tiêu diệt đoàn xe của địch, một số xe tháo chạy xuống ruộng bị lật nghiêng, đổ ngửa. Lính ngụy trong xe chạy như vịt trên cánh đồng. Vượt qua cầu Bông chúng tôi đánh về căn cứ Hóc Môn rồi đến ngã ba Bà Quẹo thì khoảng 9 giờ tối. Được lệnh dừng xe. Các chiến sĩ xe tăng không được rời khỏi vị trí còn bộ binh phối thuộc chốt chặn các ngõ hẻm để bảo vệ xe.
Qua một ngày ròng rã chiến đấu với lính dù, biệt động quân, chúng tôi rất mệt mỏi và căng thẳng. Đêm ấy, anh Vỹ sang xe tôi, hai anh em hút thuốc, ăn lương khô và tâm sự. Tôi biết anh Vỹ đã có vợ, có con, còn tôi lính trẻ mới ngoài hai mươi tuổi. Anh tâm tình, nói với tôi: “Đêm nay mình nhớ nhà quá!” Rồi anh ôm lấy tôi, giọng trầm xuống : “ Cả ngày hôm nay chiến đấu ác liệt quá, ngày mai chắc chắn trận chiến còn quyết liệt hơn. Nếu không may mình có chuyện gì thì cậu nhớ về quê gặp vợ mình và nhắc lại cuộc trò chuyện của chúng mình đêm nay nhé”... Anh khoác vai tôi chặt hơn. Tôi chẳng biết nói gì chỉ khẽ gật đầu và nói với anh như tự động viên mình: “ vỏ thép mình dày không sao đâu, anh đừng lo!”.
Sáng sớm ngày 30/4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn về hướng Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn nhất và các mục tiêu Bộ tư lệnh dù, Bộ tư lệnh không quân ngụy. Ngay sau đó các xe tăng và đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ đột phá dũng mãnh tiến thẳng về hướng Ngã tư Bảy Hiền. Thế nhưng, từ đêm hôm trước, địch đã tập trung Tiểu đoàn 8 (lính dù) chốt chặn, chúng huy động tối đa xe tăng và các loại hỏa lực còn lại để cản đường tiến của quân ta. Bởi vậy, quân ta mới chỉ tiến được chưa đầy 500 mét đã gặp địch chống trả.
Đầu các ngõ hẻm, xe tăng M41, M48 của địch đã phục sẵn, chủ động nhả đạn vào xe tăng và đội hình tiến quân của ta. Trên các ô cửa sổ nhà cao tầng và các khúc cua đều có những ổ đề kháng lợi hại của địch. Ngồi trên xe tăng, qua ống kính, tôi phát hiện các loại vũ khí chống tăng và các loại súng của chúng bắn như đổ đạn vào đội hình của ta. Nhiều xe tăng địch và cả xe tăng của ta bị bắn cháy, bắn hỏng, tiếng đạn pháo trong xe tăng chốc chốc lại nổ, kèm theo những đụn khói bốc cao. Xác lính dù nằm co quắp, cháy xém. Cạnh đó, cũng có nhiều chiến sĩ bộ binh của ta ngã xuống, những tốp cứu thương đang hối hả khênh vác thương binh và làm công tác tử sĩ. Gần cả tiếng đồng hồ mà đội hình cũng chỉ tiến được chưa đầy 1 km. Ta và địch giành nhau từng ngôi nhà, từng ngõ phố. Tiếng súng nổ, đồng đội mình ngã xuống càng khiến các kíp xe chúng tôi lao lên dũng mãnh hơn.
Khoảng 8 giờ 15 phút, khi đoàn xe tiến đến trước cổng trại lính dù Hoàng Hoa Thám, các ổ đề kháng của địch dày đặc hơn và chúng cũng ngoan cố hơn. Lại thêm một số xe tăng của ta bị trúng đạn, lại thêm những đồng đội hy sinh. Ở cự ly khoảng 300m, quan sát phía trước, tôi phát hiện một cụm ụ chiến đấu, chúng đang hướng mũi súng về phía xe của tôi. Tôi đã hô đến lần thứ 3 cho pháo thủ bắn ngay vào mục tiêu ấy. Nhưng đồng chí này mặt mày tái mét, không bắn cũng không trả lời mà cứ đứng ngây ra. Lập tức tôi đứng phắt dậy, nhoài người lên lao sang cửa pháo thủ ấn đồng chí xuống và dùng 12 ly7 có sẵn đạn vạch đường bắn thẳng vào mục tiêu, các xe của ta cứ theo đạn vạch đường của tôi mà tập trung hỏa lực. Không kịp lắp đạn, tôi quay sang chiến sĩ bộ binh ngồi trên xe đang ôm khẩu B40, liền ra hiệu đưa súng. Tôi đứng trên xe bắn liền 2 quả, diệt 2 hỏa điểm tiếp theo, sau đó tiếp tục lấy khẩu B41 của một chiến sĩ đang bị thương nằm trên xe bắn tiếp, diệt một ụ chốt nữa. Tôi không ngờ lúc ấy mình khỏe và hăng đến thế !
Khi gần tới Ngã tư Bảy Hiền, bỗng một ánh chớp và kèm theo tiếng nổ đinh tai cách bên trái xe chưa đầy 10 mét. Tôi đoán đó là một quả đạn cối 82 ly, khi nhìn sang bên thì phát hiện một chiến sĩ bộ binh bị mảnh khá lớn găm vào đầu, hy sinh tại chỗ. Tôi định vươn người ra kéo đồng đội vào trong xe thì một tiếng nổ nữa bên cạnh xe làm đứt lìa cánh tay trái của tôi, chỉ còn dính một sợi gân bằng chiếc đũa trắng tinh. Tôi lập tức dùng tay ga-rô cánh tay và ra hiệu cho pháo thủ dùng dây ga-rô buộc chặt vết thương cho tôi. Tiếp tục dùng AK bằng tay phải quét từng loạt về phía bọn lính dù đang luồn lách vào các con hẻm và chạy vào trong Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất). Lúc này tôi thấy đau, người choáng váng không còn sức chiến đấu. Tôi điện về phía sau báo cáo tình hình và được lệnh dừng xe thay người. Sau ít phút, cấp trên điều người thay tôi và một số anh em thương vong. Người thay vào vị trí của tôi chính là anh Vỹ, quyền đại đội trưởng. Anh đỡ tôi xuống xe, đồng chí y tá của đơn vị pháo binh từ phía sau chạy lên tiêm cho tôi và cắt luôn sợi gân còn lủng lẳng, rồi khênh tôi đặt tạm vào vỉa hè.
Đoàn quân tiếp tục tiến về phía Lăng Cha Cả để đánh các mục tiêu đã định. Đoàn xe chỉ mới tiến được khoảng 400 mét thì 3 chiếc bị trúng đạn, bốc cháy, trong đó có xe của tôi. Anh Vỹ, chỉ huy thay tôi, người mà tối qua anh cùng tôi tâm sự đã anh dũng hi sinh.
Cùng lúc ấy tôi được đưa về trạm phẫu tiền phương tại Vinatexco. Sau thời gian phẫu thuật xử lý vết thương, khi tỉnh dậy tôi thấy mỏm tay đã được băng gọn, đầu và ngực đều quấn băng. Tôi nhận ra một số chiến sĩ bộ binh được biên chế trong xe tôi cũng băng bó khắp người. Tôi hỏi “ Mình đánh đến đâu rồi?” Mọi người trả lời: “ Giải phóng rồi!”. Một chiến sĩ bộ binh nói : “ Lúc anh xuống xe, người chỉ huy thay anh cho xe chạy tới ngã ba thì xe bị cháy. Các anh ấy hy sinh rồi!” Tôi lặng đi, đau thương quá ! Lúc đó khoảng 2 giờ chiều ngày 30/4/1975.
CCB Nguyễn Trần Đoàn sinh năm 1952 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng, nhập ngũ tháng 8/1970. Tháng 8/1979 chuyển ngành, học nghiệp vụ tại trường lao động Tiền Lương 1 Bộ Lao động, sau đó học đại học Hàng Hải. Hiện nay CCB Nguyễn Trần Đoàn là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Cụm trưởng Cụm 2 (Đông Nam đồng bằng Bắc bộ); Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP Hải Phòng, Ủy viên BCH Hội CCB TP Hải Phòng; Giám đốc Xí Nghiệp 273 Hải Phòng.